Hôm nay, 28 tháng Hai 2019, Hội thảo Đối thoại chính sách về quản lý rác thải đã diễn ra tại Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là hợp phần cuối cùng của dự án “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” thí điểm trong năm đầu tiên tại Huế, hội thảo Đối thoại chính sách về Quản lý Rác thải là dịp để các đại biểu đến từ cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế, các Sở ban ngành tại Huế và các lãnh đạo cộng đồng cùng thảo luận về thực trạng quản lý rác thải tại Việt Nam và Vương Quốc Anh và từ đó mở ra những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này trong trường học.
Tham dự hội thảo về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Phan Thiên Định – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Tân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, cùng sự tham dự của Bà Jakira Khanam – Giám đốc Chương trình Xã hội, Hội đồng Anh Khu vực Đông Á, Bà Lê Từ Cẩm Ly – Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, Coca-Cola Việt Nam, các đại biểu, đại diện của các sở ban ngành tại Huế, các thầy cô giáo, các em học sinh của ba trường THPT tham gia vào dự án “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” ở Huế và đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí.
Một con số rất đáng báo động là sản lượng nhựa đã tăng gấp 20 lần trong vòng 50 năm trở lại đây và rác thải từ nhựa đủ để bao quanh trái đất tới bốn lần. Trong bài trình bày của mình, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn), cho biết nhựa sống lâu hơn con người rất nhiều trong khi đó công nghệ xử lý rác còn hết sức thô sơ và việc xử lý rác một cách triệt để là chưa có. Chỉ với việc chôn và đặc biệt là đốt rác rất thô sơ thì đây sẽ là một mối nguy hại về sức khỏe rất lớn đối với con người do những chất độc hại sản sinh ra trong quá trình thiêu hủy rất nhiều các chất khác nhau.
Bà Joana Santos, cố vấn cấp cao tổ chức Wiser Environment, Vương quốc Anh trong phần giới thiệu và trình bày về mô hình quản lý và xử lý rác thải thành công của Vương quốc Anh cho thấy một chiến lược cấp quốc gia rất tổng thể cho vấn đề quản lý rác thải, từ việc nâng cao nhận thức cho người dân, ở ngay tại khu vực cư dân sinh sống cho tới việc hợp tác với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với các tổ chức chuyên về quản lý rác thải, làm việc với các doanh nghiệp tư nhân hay việc đưa ra và giới thiệu về các sáng kiến thông qua chương trình giáo dục trong các trường học và những chương trình mang tính cộng đồng. Những chiến lược cấp quốc gia này sẽ cần được triển khai một cách sâu rộng tới chính quyền địa phương các cấp. Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bà Joana Santos cũng nhấn mạnh việc cần phải biết tận dụng lại mọi thứ, trong một chu trình khép kín từ những nguyên liệu thô đầu vào cho tới quá trình thiết kế, sản xuất, tiêu thụ rồi tiếp tục là tái sử dụng và tái chế … để tiết kiệm các nguồn lực hữu hạn bằng cách giữ chúng lại trong nền kinh tế. Rác thải, nguồn nguyên liệu của chúng ta được coi là chiến lược của Anh (Our waste, our resources: A strategy for English) trong việc xử lý rác thải và bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình.
Đánh giá về kết quả của dự án, ông Phan Thiên Định đã biểu dương và hoan nghênh kết quả đạt được của dự án. Trong thời gian rất ngắn dự án đã triển khai được nhiều hoạt động bằng những sản phẩm cụ thể và những hoạt động của dự án rất phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh Thừa thiên Huế và thành phố Huế trong năm 2019. Với sự nỗ lực vào cuộc của Tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Tài Nguyên và Môi trường đang chung tay triển khai các dự án bảo vệ môi trường cũng giúp tạo ra giá trị kinh tế lớn, như Dự án trọng tâm xây dựng “Huế Sáng - Xanh – Sạch” hay chương trình “Chủ nhật Xanh – 60 phút đẹp nhà sạch ngõ”, v.v…thì Dự án “Vì Một thế giới không rác thải” trong trường học với sự đồng hành của Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ là một sự phối hợp hoàn hảo giữa các sở ban ngành của Tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác quản lý và nâng cao nhận thức về quản lý rác thải.
Theo bà Lê Từ Cẩm Ly, dự án mới chỉ là bước khởi đầu và chúng ta cần phải nhân rộng mô hình dự án ra nhiều hơn nữa. Bây giờ không phải là vai trò của các đối tác, các nhà tài trợ nữa mà cần thiết phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tại buổi hội thảo, tất cả các đại biểu đều đồng ý rằng các dự án hỗ trợ về bảo vệ môi trường, đặc biệt với việc quản lý rác thải đều cần phải có sự hỗ trợ chặt chẽ từ các tổ chức chính quyền địa phương mới mang lại tính bền vững của các sáng kiến hành động vì môi trường. Hội thảo ngày hôm nay không phải là đích đến của các hoạt động về quản lý rác thải bởi không chỉ đơn thuần là việc báo cáo kết quả đã đạt được mà hơn hết, đó là việc làm sao có thể tiếp tục duy trì và nhân rộng được các hoạt động của dự án một cách lâu dài, bền vững.
Dự án “vì một thế giới không rác thải” do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã trang bị không chỉ cho các thầy cô giáo và các em học sinh về kiến thức, kỹ năng về quản lý rác thải mà còn truyền cảm hứng về tinh thần công dân tích cực – mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ và cố vấn của các giảng viên nguồn, 12 nhóm dự án hành động vì môi trường đã được triển khai và đang cho kết quả rất tích cực.
Đại diện cho 12 nhóm dự án hành động vì môi trường tại ba trường THPT Quốc học Huế, Cao Thắng và Hương Thủy, em Hồ Hữu Tường, học sinh trường Quốc học Huế chia sẻ “Xà phòng Xanh không đơn thuần chỉ là một dự án tạo ra những miếng xà phòng an toàn cho người sử dụng lẫn môi trường, chúng em còn có một mong muốn xa hơn: đó chính là thay đổi ý thức của người dùng. Và có lẽ chúng em đã đạt được điều đó, với hơn 100 đơn hàng đến từ hàng chục khách hàng cũng như những bình luận vô cùng tích cực từ họ. Và đó cũng chính là sứ mệnh của chúng em - lan tỏa tinh thần công dân tích cực đến với cộng đồng, sứ mệnh nhỏ nhoi nhưng đã đem lại những ý thức tốt đẹp cho người dân. Và cũng nhờ có dự án Xà phòng Xanh cũng như 11 dự án khác có mặt trong buổi hội thảo hôm nay, chúng em cũng đã một phần hiểu hơn về thực trạng môi trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, những giá trị về cộng đồng cũng đã được các bạn chú ý và phát triển mạnh mẽ hơn, từ dự án mang những giá trị tích cực đến với cộng đồng như Vườn treo Babylon, The Shark, Vườn sinh thái, Gạch Polymer của các bạn trường THPT Cao Thắng và dự án Xà phòng Xanh của nhóm chúng em. Mỗi dự án đều mang một giá trị riêng, một sứ mệnh riêng, nhưng chúng đều khẳng định một giá trị: xây dựng một hình ảnh thanh niên Thừa Thiên Huế sáng tạo, năng động, luôn có những ý tưởng thú vị nhằm xây dựng một thành phố cố đô đẹp hơn, sạch hơn, và thơ mộng hơn”.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Bùi Tiến Dũng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ “đối với giáo dục khởi nghiệp, nhiệm vụ cốt lõi là vấn đề phát hiện tài năng và hun đúc tinh thần sáng tạo cho các học sinh, bởi chỉ có tài năng, sự sáng tạo mới có thể tạo ra sự đột phá trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi đánh giá cao dự án thí điểm này của Hội đồng Anh, Coca-Cola và các đối tác, từ việc nâng cao năng lực, tinh thần công dân tích cực cho các giáo viên, chương trình đã thực sự lan tỏa sang các em học sinh tại các nhà trường. Từ thành công của dự án này, tôi mong muốn Sở GDĐT Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì, nhân rộng sang các cơ sở giáo dục khác và cũng như Hội đồng Anh và Coca-Cola sẽ tiếp tục mở rộng dự án sang các tỉnh khác để chúng ta có thể mang tinh thần công dân tích cực thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh tại nhiều địa phương hơn nữa.”