Tập huấn Dạy tiếng Anh đa ngôn ngữ thông qua nghệ thuật cho giáo viên (Đại học Glasgow và Đại học Sư phạm Thái Nguyên) 

Từ năm 2022, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã hợp tác với các đơn vị Giảng dạy tiếng Anh của Vương quốc Anh và Việt Nam cùng với các giáo viên từ các Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) ở một số tỉnh thí điểm mô hình sáng tạo về Cộng đồng thực hành chuyên môn (CoP). Với phương pháp phát triển chuyên môn bền vững và mang tính hợp tác này dự án không chỉ nâng cao kỹ năng giảng dạy mà còn tăng cường sự tự tin của giáo viên góp phần cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Dự án TAG được xây dựng phù hợp với các mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (ĐANNQG) trong việc hỗ trợ hoạt động thực hành và đổi mới cho giáo viên ngoại ngữ, khuyến khích giáo viên kết nối với các mạng lưới chuyên môn, đặc biệt là thông qua Cộng đồng thực hành chuyên môn.

Từ năm 2022 đến năm 2023, đã có khoảng 65 đến 70 nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAG) đã được thành lập mang lại lợi ích cho hơn 1.600 giáo viên trên 11 tỉnh thành, bao gồm cả các vùng xa xôi và khó khăn của đất nước.

Giai đoạn 2 của dự án TAG, được tiếp tục từ năm 2024 đến năm 2025, tập trung vào việc tạo ra một môi trường hỗ trợ để mở rộng quy mô, nhằm tạo ra tác động có hệ thống và lâu dài. Được Hội đồng Anh tài trợ, các dự án trong giai đoạn này là sự hợp tác giữa ba tổ chức giáo dục của Vương quốc Anh cùng với các đối tác Việt Nam thực hiện với mục tiêu bồi dưỡng 261 giáo viên cốt cán điều hành các buổi họp chuyên môn với sự tham gia của 1.700 giáo viên.  

Để tìm hiểu thêm thông tin của từng dự án, bạn chỉ cần mở phần bên dưới:

  • Giảng dạy tiếng Anh trong thế giới đa ngôn ngữ thông qua nghệ thuật (TEMA) do Đại học Glasgow và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên triển khai phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh và Tuyên Quang.
  • Phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên thông qua dự án TAG giai đoạn 2 do Viện ngôn ngữ quốc tế International House London và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 triển khai phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái và Nghệ An.
  • Nâng cao năng lực cho giáo viên cốt cán và trao quyền cho giáo viên – dự án do Đại học Manchester Metropolitan, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế và Đại học An Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế và An Giang thực hiện.

Cùng tham khảo thêm các thông tin về TAG

  • Tải ấn phẩm System strengthening của Hội đồng Anh và đọc thêm về nghiên cứu điển hình số 3 về Cộng đồng thực hành chuyên môn (TAG) tại Việt Nam. 
Khai mạc dự án Bồi dưỡng giáo viên mô hình nhóm hoạt động, giai đoạn 2 thực hiện bởi IH London và ĐHSPHN 2 do Hội đồng Anh tài trợ.

Giảng dạy tiếng Anh trong thế giới đa ngôn ngữ thông qua nghệ thuật (TEMA)

Dự án bao gồm những hoạt động chủ yếu nào?

Bắt đầu từ tháng 4 năm 2024, dự án được triển khai tại ba tỉnh của Việt Nam: Quảng Ninh, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow, Vương quốc Anh và Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 65 giáo viên với vai trò hướng dẫn, cùng với khoảng hơn 600 giáo viên trung học cơ sở, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của ba Viện bảo tàng địa phương. Dự án nhằm mục đích thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới phương pháp sư phạm tạo ra những chuyển biến tích cực cho các lớp học tiếng Anh thông qua việc ứng dụng các tài liệu và phương pháp dựa trên nghệ thuật. Dự án xây dựng trên mô hình phát triển chuyên môn Nhóm hoạt động giáo viên (TAG) được thí điểm vào năm 2022-2023, trong đó giải quyết các thách thức như sự tham gia của học sinh trong lớp học, thời gian chuẩn bị của giáo viên và sự nhiệt tình đối với các phương pháp giảng dạy mới.

Tác động của dự án 

Vào tháng 8 năm 2024, một chương trình bồi dưỡng đã trang bị cho các giáo viên cốt cán về những lý thuyết và thực hành cơ bản. Các giáo viên đã hợp tác và đang tích cực xây dựng mạng lưới giáo viên vững mạnh trong các Nhóm hoạt động giáo viên (TAG) của họ. Trong suốt thời gian thực hiện dự án, các giáo viên đã dẫn dắt, điều hành các buổi họp TAG hàng tháng. Họ nhận được sự hỗ trợ của các giảng viên của Đại học Glasgow qua các buổi tập huấn hàng tháng. Các giáo viên đã cùng nhau khám phá các phương pháp tiếp cận đa ngôn ngữ và dựa trên nghệ thuật để giảng dạy tiếng Anh.

Một bộ tài liệu hướng dẫn các hoạt động đã được phát triển, kết hợp các tài liệu do các nhà nghiên cứu, các giáo viên cốt cán và nhóm chuyên viên của ba viện bảo tàng đối tác xây dựng: Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam và Bảo tàng Tuyên Quang. Sự hợp tác này nhấn mạnh giá trị của việc học trải nghiệm dựa trên tư liệu tại bảo tàng như một phương pháp hiệu quả để làm phong phú thêm các chương trình dạy và học ngôn ngữ trong đó sử dụng các nguồn lực từ cộng đồng địa phương.

Dự án đã thúc đẩy động lực học tập, kỹ năng nghe và sự tự tin của học sinh khi sử dụng tiếng Anh. Dự án cũng thúc đẩy môi trường học tập toàn diện, giàu văn hóa và hỗ trợ giáo dục bền vững thông qua các hoạt động bảo tàng lấy cộng đồng làm trung tâm.

Giáo viên đã chia sẻ gì về dự án?

"Khóa bồi dưỡng này vô cùng giá trị. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích cho công tác giảng dạy! Chúng tôi cũng hy vọng rằng trong chặng đường sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình trong mọi hoạt động tiếp theo từ các giảng viên Khoa Ngoại ngữ và các em sinh viên, để thay đổi cách chúng tôi học tập và tiếp cận tiếng Anh trong thời đại mới.” – Lê Thị Vi Sa, giáo viên đến từ tỉnh Thái Nguyên.

Cùng tham khảo thêm các thông tin

  • Cùng xem lại các chia sẻ kết quả hoạt đông dự án trên trang web TeachingEnglish của Hội đồng Anh
  • Khám phá các hoạt động của dự án và tiếp cận các nguồn tư liệu tại trang Facebook.

Nhóm hoạt động giáo viên: Mô hình phát triển chuyên môn bền vững cho giáo viên tiếng Anh phù hợp với bối cảnh giảng dạy tại Việt Nam

Dự án bao gồm những hoạt động chủ yếu nào?

Viện ngôn ngữ quốc tế International House London (IHL) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (HPU2) đang cùng triển khai Giai đoạn 2 của chương trình phát triển chuyên môn về Nhóm hoạt động giáo viên (TAG) nhằm nâng cao hoạt động thực hành của giáo viên tiếng Anh Việt Nam

Dự án đã giúp nâng cao năng lực cho 61 giáo viên cốt cán từ hai Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái (nay là tỉnh Lào Cai) và Nghệ An để trở thành các giáo viên hướng dẫn, điều hành các buổi họp chuyên môn TAG. Vào tháng 7 và tháng 8 năm 2024, những giáo viên này đã tham dự các buổi họp với các chuyên gia từ Việt Nam và Vương quốc Anh để củng cố các kỹ năng tập huấn. Bắt đầu từ tháng 10 năm 2024, các giáo viên này đã bắt đầu áp dụng kỹ năng điều hành các buổi sinh hoạt chuyên môn cho các giáo viên tại các tỉnh nơi họ công tác

Tác động của dự án 

Một cải tiến quan trọng của mô hình TAG là các hoạt động giảng dạy tích cực không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ những người đào tạo mà được thiết lập thông qua quá trình khám phá, thực hành chiêm nghiệm của các giáo viên. Hơn nữa, nội dung tập huấn được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của từng Sở GD&ĐT. 61 giáo viên cốt cán đã hoàn thành khóa học định hướng trực tuyến kéo dài năm ngày để trở thành giáo viên điều hành các nhóm TAG. Trong hơn một năm, những giáo viên này đã hướng dẫn và điều hành các phiên họp TAG tại địa phương với sự hỗ trợ thường xuyên của các giảng viên từ Viện Ngôn ngữ International House London và trường ĐHSPHN 2.

Dữ liệu từ các cuộc khảo sát trước và sau bồi dưỡng và các báo cáo cho thấy giáo viên cảm thấy được chuẩn bị tốt cho vai trò người điều hành, hướng dẫn của minh để triển khai thành công hoạt động phát triển chuyên môn thường xuyên tại trường học, đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Dự án thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp thông qua trao đổi văn hóa, tăng cường kiến thức, nhận thức, thái độ và mở rộng mạng lưới giáo viên.

Dự án TAG đã tạo ra sự phát triển chuyên môn bền vững, đáp ứng thành công nhu cầu của địa phương, nhưng đồng thời cũng cho thấy những thách thức còn tồn tại trong quá trình triển khai. Việc tạo ra tác động lên các giáo viên đồng nghiệp đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với việc tác động đến học sinh, những hạn chế về thời gian do khối lượng công việc lớn của giáo viên, mức độ sẵn sàng của giáo viên khi đảm nhiệm vai trò điều hành, rào cản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Với những thách thức này, mô hình TAG cần có sự hỗ trợ mang tính hệ thống về thể chế để có thể mang lại tác động sâu và rộng trong hệ thống giáo dục.

Giáo viên đã chia sẻ gì về dự án?

“Chúng tôi đến từ nhiều trường khác nhau trong tỉnh. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các đồng nghiệp trong thời gian diễn ra khóa học. Chúng tôi mong muốn tiếp tục trao đổi chuyên môn để nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy của mình. Cảm ơn các giảng viên của khóa học đã luôn ủng hộ và động viên chúng tôi thật nhiều." – Một giáo viên tham gia đến từ tỉnh Yên Bái nay là tỉnh Lào Cai.

Cùng tham khảo thêm các thông tin dự án tại đây

Từ Giáo viên đến Người hướng dẫn: Cùng nhìn lại chặng đường đã qua và những cách thức khả thi thực hiện

Dự án bao gồm những hoạt động chủ yếu nào?

Dự án là sự hợp tác giữa các giảng viên Vương quốc Anh và Việt Nam trong việc hỗ trợ 135 giáo viên cốt cán tiếng Anh tại Huế và Bến Tre [nay là tỉnh Vĩnh Long] thông qua mô hình Nhóm hoạt động giáo viên (TAG). Dựa trên phương pháp tiếp cận phản ánh cốt lõi đối với giáo viên và dựa theo khung Phát triển chuyên môn thường xuyên của Hội đồng Anh (xem chi tiết về khung nặng lực CPD cho giáo viên ở liên kết phía dưới bài viết) dự án nhằm mục đích xây dựng năng lực của giáo viên cốt cán với tư cách là người điều hành các nhóm TAG thông qua việc áp dụng một tập hợp đánh giá tám năng lực và khuyến khích giáo viên chia sẻ về những điểm mạnh về chuyên môn và về cá nhân của họ.

Tiếp nối thành công của giai đoạn 1 vào năm 2023, giai đoạn thứ hai tập trung vào việc nâng cao khả năng hỗ trợ, học hỏi và phát triển cùng nhau của giáo viên tiếng Anh. Bằng cách tận dụng thế mạnh của mình và tham gia vào quá trình suy ngẫm, đánh giá bản thân một cách thường xuyên và liên tục, giáo viên được trang bị tốt hơn để vượt qua những thách thức trong nghề nghiệp.

Những tác động mang lại

Hiện tại, dự án đang ở giai đoạn đầu tiên về nâng cao năng lực cho 135 giáo viên cốt cán giúp họ trang bị các kỹ năng điều hành, hỗ trợ các buổi sinh hoạt phát triển chuyên môn và thiết lập mạng lưới các giáo viên cốt cán. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 9 năm 2025, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các giáo viên này trong việc tổ chức, điều hành các cuộc họp TAG tại các trường nhằm tăng cường việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển chuyên môn và sự tự tin của các giáo viên tiếng Anh khi tham gia các nhóm sinh hoạt chuyên môn TAG.

Kết quả mong đợi của dự án bao gồm việc thành lập một mạng lưới giáo viên chủ chốt vững mạnh tại các tỉnh Thừa Thiên Huế và Bến Tre, trang bị cho 135 giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông các kỹ năng hỗ trợ và phát triển chuyên môn cho 600 giáo viên tiếng Anh tham gia dự án

Những thách thức trong quá trình triển khai dự án như mức độ tham gia và tương tác trong các buổi làm việc với giáo viên cốt cán, sự khác biệt trong nhận thức và việc sẵn sàng đảm nhiệm vai trò hướng dẫn chuyên môn của họ đang được nhóm dự án thảo luận với các Sở GD&ĐT và các giáo viên để có biện pháp động viên, khắc phục. Khung năng lực giáo viên cốt cán với các kỹ năng cần có trong việc điều hành các tổ, nhóm sinh hoạt chuyên môn sẽ được phát triển thành một tài liệu hướng dẫn có giá trị nhằm giúp các Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển giáo viên trong tương lai.

Đối tác nói gì về dự án?

“Tôi nghĩ rằng đóng góp quan trọng nhất của dự án là tập hợp các giáo viên từ nhiều nơi và nhiều cấp học khác nhau để hình thành nên một Cộng đồng thực hành chuyên môn. Tất cả giáo viên tham gia dự án hiện đã nhận thức được sự cần thiết của một cộng đồng thực hành trực tuyến, nơi các giáo viên chia sẻ thông tin cập nhật, học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới và kết nối với các đồng nghiệp. Quan trọng hơn, họ được hướng dẫn một cách hiệu quả để suy ngẫm về giá trị của việc trở thành một giáo viên tiếng Anh, kết nối với cảm xúc và sự trân trọng của bản thân, đồng thời tiến bước trong việc xây dựng bản sắc nghề nghiệp riêng thay vì phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài để cải thiện các hoạt động giảng dạy hàng ngày.” – Ông Mai Anh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT thành phố Huế.

Cùng tham khảo thêm các thông tin dự án: