Tiếp theo bản kế hoạch hợp tác thường niên được ký kết với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP) vào tháng 6 năm 2021, Hội đồng Anh đã tiến hành mời thầu và tổ chức buổi giới thiệu về cơ hội hợp tác giữa các đơn vị Việt Nam và Vương quốc Anh vào tháng 9 năm 2021. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy Tiếng Anh. Hội đồng Anh Việt Nam xin trân trọng công bố kết quả về các dự án được nhận tài trợ.

Trong tổng số 11 hồ sơ gửi dự thầu mà chúng tôi nhận được vào cuối tháng 10, có hai hồ sơ đề xuất trong lĩnh vực nghiên cứu và chín hồ sơ đề xuất tổ chức thực hiện các nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (Teacher Activity Groups - TAGs) tại các tỉnh phân bổ theo vùng miền của Việt Nam. Sau khi các hồ sơ được đánh giá kỹ lưỡng bởi các thành viên của nhóm đánh giá đến từ Hội đồng Anh Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia độc lập, những khoản tài trợ sau đây đã được phê duyệt để các dự án bắt đầu đi vào hoạt động trong vài tháng tới và được tiếp tục triển khai thực hiện cho đến đầu năm 2023.

Kết quả của các Đề xuất Dự án

Nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh trực tuyến tại các trường công lập – Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Manchester Metropolitan và Học viện Ngân hàng/Đại học Cần Thơ/Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tìm hiểu các nguồn tài nguyên kỹ thuật số sẵn có, nhu cầu của giáo viên, việc phát triển chuyên môn thường xuyên theo hình thức trực tuyến cũng như những thách thức, rào cản và các vấn đề trong giảng dạy tiếng Anh trực tuyến.

Nghiên cứu về Kiểm tra đánh giá – Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Huddersfield và Trường ĐHNN-ĐHQGHN sẽ tiến hành tìm hiểu về hoạt động kiểm tra và đánh giá tiếng Anh (bao gồm cả hình thức cung cấp trực tuyến), để tạo ra một bộ công cụ và một cộng đồng thực hành trực tuyến dành cho giáo viên nhằm chia sẻ những phương pháp tốt nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong việc kiểm tra và đánh giá ngôn ngữ. Nghiên cứu này được giới thiệu tại phiên trình bày của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Khảo thí tiếng Anh New Directions Đông Á 2021 (vào ngày 11 tháng 12 năm 2021) - sự kiện về kiểm tra và đánh giá ngôn ngữ hàng đầu của Hội đồng Anh.

Các Nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAGs) - Bốn đề xuất dự án sau đây sẽ được thực hiện và thí điểm cho khoảng 46-50 nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAGs) trong thời gian 12 tháng, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 870 giáo viên trên tám trong số 63 tỉnh của Việt Nam, bao gồm cả một số vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, và trải dài khắp các miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam. Việc bồi dưỡng các nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAGs) đã được thực hiện thí điểm trong chương trình bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho 120 giáo viên của Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ trong năm 2020.

  • Tại miền Bắc - IH Bristol và Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE) sẽ thực hiện dự án tại Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn và Sơn La, thành lập 12 nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên, bồi dưỡng 24 giáo viên cốt cán nhằm hỗ trợ cho 240 giáo viên trong 12 tháng và tạo ra ‘bộ công cụ’ cho giáo viên ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
  • Tại miền Bắc – Đại học Glasgow và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) sẽ thực hiện dự án phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ninh với 12 nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAGs), hai cộng sự nghiên cứu, 24 giáo viên cốt cán và 12 nghệ sĩ sẽ hỗ trợ 240 giáo viên trong 12 tháng và xây dựng sổ tay hướng dẫn về chương trình phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên, cũng như phát triển nguồn tài nguyên giảng dạy và học tập miễn phí trực tuyến, được thiết kế để phát triển năng lực của giáo viên trong giảng dạy tiếng Anh sử dụng các nguồn tài liệu mang tính sáng tạo lồng ghép với các hoạt động nghệ thuật.
  • Tại miền Trung - Đại học Manchester Metropolitan và Đại học Huế đang áp dụng ‘phương pháp tiếp cận tập trung vào bản sắc’ trong việc phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên với sáu nhóm hoạt động chuyên môn của giáo viên (TAGs) hỗ trợ 120 giáo viên tại Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Huế, tập trung thể hiện thông qua hoạt động trực tuyến ‘Ngày phát triển chuyên môn giáo viên’. Mô hình TAG tập trung vào hướng tiếp cận này, được xây dựng xung quanh các giai đoạn nhận biết, cảm nhận và hành động. Mô hình có thể được nhân rộng tại các bối cảnh khác nhau.
  • Tại miền Nam – Celtic English Academy và Đại học Cần Thơ sẽ làm việc với các giáo viên tại ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp). Trong tổng số 270 giáo viên có 170 giáo viên tiếng Anh và hơn 100 giáo viên dạy môn khoa học và toán, sẽ được hỗ trợ và phát triển thông qua 16-20 nhóm hoạt động chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng và cố vấn 20 giáo viên là tập huấn viên của nhóm hoạt động chuyên môn cho giáo viên. Họ sẽ tiếp tục duy trì các nhóm hoạt động chuyên môn cho giáo viên sau khi dự án kết thúc. 

Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật về tiến độ các dự án về nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh và về phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên (CPD)

Để biết thêm thông tin chi tiết về dự án nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh và phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên được nhận tài trợ ở trên, vui lòng liên hệ davideg.gilmartin@britishcouncil.org.vn