Sau ba ngày tập huấn sôi nổi vào cuối tháng Mười Một vừa qua tại Hà Nội, 130 Đại sứ STEM trong dự án “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh vào khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua Giáo dục STEM và kỹ năng số” đã có những hoạt động đầu tiên của mình trên hành trình lan tỏa và truyền cảm hứng trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với mục tiêu tạo thêm cơ hội và khuyến khích học sinh phổ thông, đặc biệt là nữ sinh khám phá tiềm năng và theo đuổi các môn STEM như một sự lựa chọn ở bậc đại học và nghề nghiệp trong tương lai, đây sẽ là những bước đà đầu tiên để kết nối, nuôi dưỡng và lan tỏa niềm đam mê khoa học với các em.
Trong tháng Mười Hai năm 2018 và đầu tháng Một vừa qua, các buổi tập huấn lan tỏa đã lần lượt diễn ra với sự hưởng ứng của gần 30 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại bảy tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến: Trường THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục – Hà Nội, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Đà Nẵng, trường THPT Chuyên Quốc học Huế, trường THPT Sư phạm thực hành - Đại học Cần Thơ hay trường THPT Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh…
Cùng với các đại sứ STEM, các em học sinh đã được tìm hiểu về công việc nghiên cứu của các khoa học, làm quen với mô hình giải giải quyết vấn đề TRIAL (Task – Xác định nhiệm vụ, Recall – Hồi tưởng, Idea – Lên ý tưởng, Apply – Thực hiện, và Learnt – Bài học rút ra), và đặc biệt là được tìm hiểu về định hướng công việc khoa học trong tương lai. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1,000 học sinh tham gia trực tiếp, với hàng chục dự án STEM học sinh đang được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề địa phương. Với nhiều em, đây là lần đầu tiên các em được tiếp cận với một phương pháp giáo dục mới, kết hợp giữa học tập dự án và hoạt động trải nghiệm như vậy.
Đồng hành cùng các giáo viên và đại sứ có các Chuyên gia giáo dục đến từ Vương quốc Anh, Alessio Bernardelli (Người sáng lập tổ chức CollaboratEd) và Neil Atkin (Người sáng lập tổ chức Rubbish Science). Hai chuyên gia đã biên soạn một cuốn sổ tay Giáo dục STEM và hỗ trợ từ xa thông qua các Bản tin STEM hàng tháng – nhằm trang bị cho các Đại sứ, thầy cô và học sinh những mô hình tư duy và các ý tưởng STEM thú vị ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Chia sẻ với Hội đồng Anh, cô giáo Dương Thị Yến, trường THCS Đại Mỗ, Hà Nội xúc động:
“Trại tập huấn STEM Bootcamp đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Qua dự án, tôi có cơ hội được gặp gỡ mọi người, được học hỏi những tư tưởng mới, và cả những phương pháp, kỹ thuật rất thú vị. Với các tiết học STEM, học sinh được tự do làm việc và thoải mái bộc lộ. Điều đó làm các em có cảm giác hạnh phúc hơn, tư duy tích cực tiếp nhận mọi điều mới. Và đó cũng là động lực để tôi tổ chức thêm nhiều hoạt động hơn nữa.”
Cùng tinh thần chung đó, các thầy cô trường THPT Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế không khỏi tự hào khi đón nhận những phản hồi tích cực từ các em học sinh:
“Trong buổi tập huấn, lúc đầu các em cũng rất là bỡ ngỡ không biết mình sẽ được tiếp thu điều gì đây, STEM là gì, thái độ của các em đang ở trạng thái thăm dò. Tuy nhiên, chỉ sau một lúc các em đã rất chăm chú lắng nghe vấn đề, hăng hái phát biểu những điều mình biết, những suy nghĩ của bản thân. Lớp học rất sôi nổi và chắc chắn kết quả mà các em thu được sẽ khả quan mặc dù lớp học diễn ra trong hai ngày thời tiết mưa lạnh”.
Hiện tại, các trường đang gấp rút chuẩn bị những hoạt động cuối cùng cho cuộc thi School Lab, dự kiến kết quả sẽ được công bố vào tháng Ba năm 2019 sắp tới. Hãy cùng chúng tôi chia sẻ niềm hân hoan và tiếp lửa cho các Đại sứ STEM trên hành trình đầy ý nghĩa này.