Một đoàn làm phim Việt Nam ©

Viện Phim Việt Nam 

Thời gian: 15 Tháng Một năm 2019
Địa điểm: Phòng chiếu 2, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ, Hà Nội 

Được tổ chức với sự phối hợp từ Viện Phim Việt Nam, Hội thảo chuyên đề ‘Phim như một di sản văn hóa’ có sự tham gia của các cá nhân thực hành phim từ hai khu vực nhà nước và tư nhân. Một trong các điểm nhấn của chương trình là một thuyết trình về công tác lưu trữ, số hóa và phục chế phim tại một số đơn vị nhà nước hoạt động về điện ảnh tại Hà Nôi, do Viện Phim Việt Nam thực hiện cho dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các thuyết trình khác đưa ra những ý tưởng về các gắn kết cộng đồng và lịch sử dân tộc thông qua các di sản phim. Dựa trên các thuyết trình này, hội thảo đưa đến các thảo luận về tương lai cho các lưu trữ phim Việt Nam, các tiềm năng cho hợp tác liên ngành, cũng như giữa các tổ chức Việt Nam và quốc tế.

Chương trình  

Sáng

Khán phòng 2, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

08.30–09.00

Đón tiếp đại biểu

09.00–09.05

Lê Thuận Uyên (Giám tuyển độc lập) – Phát biểu chào mừng

09.05–09.10

Donna McGowan (Giám đốc quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam) – Phát biểu khai mạc

09.10–09.20

Ngô Đặng Trà My (Phó Viện trưởng, Viện Phim Việt Nam) – Phát biểu khai mạc

09.20–09.40

Lê Hồng Lâm (Nhà báo, Nhà nghiên cứu điện ảnh độc lập) – Tầm quan trọng của di sản phim: Thử nhìn lại biên niên sử của Việt Nam qua điện ảnh 

09.40–09.50

Hỏi đáp

09.50–10.10

Lê Tuấn Anh (Phó phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam) – Thực trạng lưu trữ và số hóa phim nhựa tại một số đơn vị nhà nước

10.10–10.20

Hỏi đáp

10.20–10.35

Giải lao

10.35–10.55

Frank Gray (Giám đốc, Lưu trữ phim Screen Archive South East, Đại học Brighton, Vương quốc Anh) – Từ lưu trữ đến cộng đồng: Tuyển chọn và chia sẻ di sản phim tại Vương quốc Anh

10.55–11.05

Hỏi đáp

11.05–11.25

Shona Thomson (Sáng lập và Điều hành, A Kind of Seeing, Anh Quốc) – Kết nối cộng đồng qua phim lưu trữ

11.25–11.35

Hỏi đáp

11.35–12.05

Thảo luận và Hỏi đáp – Tương lai nào cho các lưu trữ phim tại Việt Nam?
Điều phối: Phan Đăng Di (Nhà làm phim độc lập / Đồng Sáng lập và Đồng Điều hành, Gặp Gỡ Mùa Thu)
Người tham gia: Các diễn giả và đại diện một số đơn vị lưu trữ phim nhà nước tại Hà Nội 

12.05–12.15

Phan Đăng Di – Phát biểu kết thúc

Thông tin diễn giả

Lê Tuấn Anh

Lê Tuấn Anh 
Phó phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam 
www.vienphim-vfi.org.vn  

Lê Tuấn Anh tốt nghiệp từ Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2004 và làm việc tại Viện Phim Việt Nam từ 2005 đến nay. Hiện tại, anh là Phó phòng Kỹ thuật của Viện Phim, phụ trách các công tác liên quan đến lưu trữ, số hóa và phục chế tư liệu. Tuấn Anh là thành viên của Tiểu ban Kỹ thuật chuyên ngành xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia "Bản phim nhựa lưu trữ - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử" (2015-2016), cũng như là thành viên Tiểu ban Kỹ thuật chuyên ngành xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia "Vật liệu hình ảnh - Phim nhựa đế an toàn đã gia công - Thực hành bảo quản" và "Vật liệu hình ảnh - Băng từ đế Polyester - Thực hành bảo quản" (2018 - 2019).

Viện phim Việt Nam hiện nay có ba hệ thống kho phim tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thạch Thất – Hà Nội, hiện đang lưu giữ gần 80 ngàn cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video. Danh mục phim hiện đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Viện phim Việt Nam hiện khá phong phú. Đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong kho lưu trữ của Viện còn có nhiều tác phẩm điện ảnh, phim tư liệu sản xuất thời chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 – những tư liệu có thể khái quát gương mặt điện ảnh Việt Nam hai miền Nam – Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, những hình ảnh vô giá về Hồ Chủ Tịch, bộ sưu tập phim điện ảnh Cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng… là những tư liệu quý hiếm Viện phim Việt Nam hiện đang lưu giữ.

Phan Đăng Di

Phan Đăng Di
Nhà làm phim độc lập/Đồng sáng lập và Đồng điều hành Gặp Gỡ Mùa Thu
www.facebook.com/autumnmeeting 

Phan Đăng Di tốt nghiệp Khoa Biên kịch, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Anh bắt đầu sự nghiệp đạo diễn bằng hai phim ngắn là Sen (2005) và Khi tôi hai mươi (2006), hai bộ phim đã được lựa chọn vào những liên hoan phim uy tín như Liên hoan phim ngắn Clermont Ferrent và Liên hoan phim quốc tế Venice 2008. Kịch bản phim Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chyên) do anh viết đã giành giải thưởng FIPRESC tại Liên hoan phim Venice năm 2009. Bộ phim truyện dài đầu tay của Phan Đăng Di với nhan đề Bi, đừng sợ! (2009) đã được trình chiếu tại hàng chục liên hoan phim lớn trên thế giới và giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải thưởng uy tín tại Liên hoan phim Cannes năm 2010. 

Hiện Phan Đăng Di là một nhà làm phim tự do và tham gia giảng dạy tại Dự án Đào tạo Điện ảnh thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh đồng thời phối hợp tổ chức một sự kiện điện ảnh thường niên mang tên Gặp Gỡ Mùa Thu (tổ chức tại Đà Nẵng) nhằm hỗ trợ các nhà làm phim trẻ và tạo dựng một ‘làn sóng mới’ cho điện ảnh Việt Nam. Gặp Gỡ Mùa Thu đã có sự tham gia giảng dạy của đạo diễn Trần Anh Hùng, nhà quay phim nổi tiếng người Pháp Benoit Delhomme và một số nhà hoạt động đến từ các liên hoan phim và quỹ hỗ trợ điện ảnh quan trọng của thế giới. Năm 2015, bộ phim Cha và con và ..., bộ phim điện ảnh thứ hai của Phan Đăng Di, với sự tham gia của diễn viên Đỗ Thị Hải Yến, chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin, và được lựa chọn tranh giải ở hạng mục chính có tên Young Cinema Competition tại Liên hoan phim Hong Kong.

Frank Gray

Frank Gray
Giám đốc, Kho lưu trữ Screen Archive South East (Đại học Brighton), Đồng Giám đốc CineCity (Liên hoan phim Brighton) 
screenarchive.brighton.ac.uk  
www.cine-city.co.uk  

Tiến sĩ Frank Gray là một nhà sử học, curator, giám đốc lưu trữ và giảng viên hoạt động trong mọi lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu và lịch sử điện ảnh, từ những giai đoạn đầu tiên đến ngày nay. Với vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử điện ảnh ở Brighton & Hove (Anh Quốc), tiến sĩ Gray curate các triển lãm cho Brighton Museum & Art Gallery; cùng với Royal Pavilion & Museums, ông cũng góp phần xây dựng một bộ sưu tập lớn liên quan đến các gương mặt điện ảnh vĩ đại nhất của thành phố Brighton. Ông cũng làm việc về các chính sách và định hướng quốc gia về di sản phim, là cựu chủ tịch của Film Archives UK (hiệp hội lưu trữ phim Anh Quốc) và đã gắn bó với Đại học Brighton trong hơn 30 năm. 

Screen Archive South East (thuộc Đại học Brighton) là một lưu trữ phim và hình ảnh động nhà nước, lưu trữ các tư liệu ở vùng Đông Nam nước Anh. Ra đời năm 1992, kho lưu trữ này tìm, sưu tập, bảo tồn, cung cấp và quảng bá các tư liệu hình ảnh liên quan đến cuộc sống vùng Đông Nam cũng như các tư liệu liên quan đến lịch sử hình ảnh động nói chung. 

Screen Archive South East lưu giữ các slide hình cổ (magic lantern slide), phim, băng video và các tư liệu số. Hiện có hơn 8,000 phim và khoảng 10,000 slide hình từ thế kỷ 19, cũng như một bộ sưu tập khổng lồ các hiện vật trải dài suốt lịch sử như các loại máy quay phim hay máy chiếu.

CineCity là một liên hoan phim thường niên tại Brighton (Anh Quốc) dành cho điện ảnh quốc tế, bao gồm các buổi chiếu preview và ra mắt, các chương trình về di sản phim, các sắp đặt cũng như các sự kiện chiếu phim ‘live’ với các nghệ sĩ âm nhạc và trình diễn. 

 

Lê Hồng Lâm

Lê Hồng Lâm
Nhà báo, nhà nghiên cứu điện ảnh độc lập

Sinh năm 1977, Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, trường ĐH Quốc gia Hà Nội (1999) và đã có gần 20 năm làm báo với vai trò phóng viên, biên tập viên văn nghệ và thư ký tòa soạn báo. Lâm hiện là nhà báo tự do và nhà nghiên cứu điện ảnh độc lập. Anh là tác giả của năm cuốn sách đã xuất bản, bao gồm: Xem chữ Đọc hình (phỏng vấn, phê bình văn chương & điện ảnh, 2005); Chơi cùng cấu trúc (phê bình điện ảnh, 2011); Cánh chim trong gió (tản mạn điện ảnh, 2016); Sự lưỡng nan của tình thế làm người (phê bình, tiểu luận điện ảnh; 2018); 101 Bộ phim Việt Nam hay nhất (tuyển chọn, phê bình, 2018).

Shona Thomson

Shona Thomson
Sáng lập và Điều hành, A Kind of Seeing
www.akindofseeing.co.uk     

Đến từ Edinburgh (Scotland), Shona Thomson là một nhà sản xuất và curator độc lập thực hiện các chương trình chiếu phim ‘live’ (live cinema) ở Anh Quốc và trên khắp thế giới qua dự án A Kind of Seeing. Quan tâm đến việc kết nối con người và nơi chốn với các di sản, Shona cộng tác cùng khán giả, các nhà tổ chức, nghệ sĩ và cộng đồng thông qua các tour sự kiện (trình chiếu và biểu diễn) tổ chức ở nhiều địa điểm ‘đời thường’ khác nhau.

Shona đã sản xuất và curate các sự kiện, liên hoan và tour chương trình phim trong suốt hơn 20 năm, bao gồm các hợp tác trong thời gian dài với Liên hoan phim quốc tế Edinburgh, các chương trình thực hiện riêng cho Liên hoan phim Glasgow, cũng như là nhà sản xuất chính trong năm năm đầu tiên của Liên hoan phim câm Hippodrome – sự kiện duy nhất ở Scotland dành cho các kết hợp giữa trình chiếu phim câm và biểu diễn nhạc sống. 

Thông tin liên quan